Bệnh vẩy nến là bệnh miễn dịch mãn tính thường hay gặp; bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả trẻ em. Bệnh này ngay lập tức gây ra sự tích tụ của các tế bào ở trên bề mặt da. Khi thời tiết trở nên khô hanh và ít độ ẩm, đặc biệt là vào mùa đông; bệnh vẩy nên thường dễ bùng phát hơn. Chúng ta cần có kiến thức để phòng ngừa và điều trị sớm bệnh vẩy nến sẽ giúp cho người bệnh tránh khỏi những rắc rối trong cuộc sống.

Mùa đông là thời điểm dễ làm bùng phát bệnh vẩy nến

Bệnh vảy nến là một trong những bệnh về da mạn tính, xảy ra ở mọi lứa tuổi; ở trên thế giới có 1-2% số người bị bệnh này và thường gặp chủ yếu là nam giới. Một số biểu hiện ở da đó là: tróc vảy; sần sùi; hồng ban; các mảng da bị sần đỏ; bị viêm; vảy màu trắng bạc hoặc màu đỏ; da khô; nứt nẻ và có thể bị chảy máu; có thể khiến da bị đau nhức các mảng da do bị viêm nhiễm; một số bệnh nhân còn bị ngứa ùng da bị tổn thương và xung quanh nó.

Nếu là vẩy nến móng thì móng tay, móng chân dày lên, xù xì, thiếu dưỡng và dễ gãy. Nếu là vẩy nến thể khớp thì có thể sưng đau một hoặc nhiều khớp kèm theo với sự bùng phát vẩy nến trên da.

Các vị trí tổn thương của bệnh vẩy nến thường hay xảy ra ở vùng da đầu, rìa chân tóc, đầu gối, cùi chỏ, vùng xương cụt, mặt duỗi cẳng chân, cẳng tay. Đôi khi xuất hiện rải rác khắp cơ thể (vẩy nến giọt) hoặc ở chỗ va chạm trầy xước, chấn thương gọi là hiện tượng Koebner. Tổn thương móng xảy ra khoảng 30-50% các trường hợp bệnh, thường bị nhiều móng, có tính đối xứng, móng dày lên, tăng sừng dưới móng, bề mặt móng lỗ chỗ những điểm lõm (pitting) hoặc có sọc nằm ngang. Tổn thương niêm mạc ít gặp, thường ở qui đầu, vùng âm hộ. Có khoảng 30% bệnh nhân có ngứa.

Bệnh nhân bị vẩy nến có liên quan đến nhiều yếu tố như di truyền; hút thuốc lá và uống rượu làm nặng bệnh vẩy nến; suy nghĩ lo lắng về gia đình; học tập,… làm bệnh khởi phát hoặc nặng thêm. Bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính hay một số thuốc như: Lithium; thuốc chống viêm không steroid; thuốc sốt rét; corticosteroid… cũng ảnh hưởng làm khởi phát và tiến triển bệnh vẩy nến.

Bệnh có điều trị dứt điểm được không?

Bệnh vẩy nến tuy lành tính, không ảnh hưởng đến tính mạng người mắc, nhưng nếu không được điều trị, có thể gây một số biến chứng lên thận, tim mạch và huyết áp, chuyển hóa và tâm lý… Chính vì vậy, việc điều trị kịp thời bệnh vẩy nến là rất quan trọng.

Tuy nhiên, cho đến nay, bệnh vẩy nến vẫn chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu được khám, phát hiện và có biện pháp điều trị đúng có thể giúp bệnh thuyên giảm, ổn định, lâu dài, người bệnh có thể sống và làm việc bình thường suốt đời mà không nguy hiểm đến tính mạng.

Đối với vẩy nến nhẹ, ít lan rộng: Vẩy nến khu trú ở cùi chỏ, đầu gối có thể kèm theo vài mảng ở da đầu. Bệnh vẩy nến kiểu này ít gây trở ngại chức năng lao động và sinh hoạt.

Vẩy nến nặng lan rộng và tái phát: Methotrexate là một liệu pháp được cho là tốt nhất đối với các bệnh vẩy nến nặng. Tổn thương sẽ sạch sau 4 đến 5 tuần, không kể các bệnh vẩy nến lan rộng và kháng trị liệu cổ điển. Methotrexate còn có thể sử dụng trong các trường hợp vẩy nến đỏ da, vẩy nến mụn mủ và vẩy nến khớp.

Vẩy nến mụn mủ toàn thân, vẩy nến đỏ da và thấp khớp: Điều trị bước đầu nhờ vào methotrexate. Trong trường hợp có chống chỉ định dùng methotrexate, nên sử dụng retinoid, cyclosporine thay thế là phác đồ lựa chọn. Cyclosporine (sandimmun) là một liệu pháp hữu hiệu cho những bệnh vẩy nến nặng và kháng với các liệu pháp khác.

Điều trị phối hợp nên dùng ít nhất 2 loại thuốc; các phác đồ phối hợp có thể như sau: Acitretin + PUVA; Methotrexate + Calcipotriol; Acitretin + Calcipotriol; Cyclosporine + Calcipotriol; PUVA+ Calcipotriol.

 

Làm gì để tránh khởi phát bệnh vẩy nến trong mùa đông?

Để tránh bệnh vẩy nến khởi phát trong mùa đông cần lưu ý: Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cơ thể sạch sẽ mỗi ngày, cân bằng độ ẩm cho làn da.

Bổ sung độ ẩm cho da, làm mềm mịn da bằng các loại kem dưỡng ẩm. Nếu còn tổn thương da vẩy nến thì duy trì hàng ngày việc bôi thuốc điều trị đặc hiệu kết hợp với bôi các loại sản phẩm mỡ làm mềm da như daivobet kết hợp với mỡ salixilic 5-10%.

Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng: Nên ăn nhiều cá hồi; cá basa; cá trích; cá thu; cá mòi; mè đen; cà rốt, … Tránh xa các đồ ăn và gia vị cay nóng; thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ; các loại thức uống có gas; bia rượu và các chất kích thích khác…

Luyện tập thể dục thể thao đều đặn; đảm bảo ngủ đủ giấc; tránh lo lắng; stress giúp hạn chế được sự khởi phát đợt vẩy nến mới. Ngoài ra, việc khám sức khỏe định kỳ là yếu tố cần thiết trong phòng ngừa bệnh vẩy nến vào mùa đông.

Đọc nhiều tin tức hơn tại: Mỹ phẩm, Spa

Nguồn: Báo Sức khỏe và đời sống

Phạm Minh Thảo